1.1/ Vị trí địa lý
Phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia.
Địa giới hành chính được phân chia thành 10 đơn vị, gồm 03 thị xã: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long và 07 huyện gồm: Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Chơn Thành, Hớn Quản và Bù Gia Mập. Thị xã Đồng Xoài là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 110km.
1.2/ Khí hậu thủy văn
Tỉnh Bình Phước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới cận xích đạo gió mùa, có 02 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 05 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 04 năm sau; ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, không có động đất là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
1.3/ Tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên đất: Bình Phước có 687.155ha đất tự nhiên. Đất đai ở Bình Phước rất màu mỡ, thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp dài ngày như: Cao su, điều, tiêu, cà phê… và cây ăn trái; là điều kiện thuận lợi phát triển ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và chế biến công nghiệp phát triển.
- Tài nguyên nước: có các sông lớn như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Bé… và các con suối lớn phân bố trên khắp địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều hồ, đập như hồ Đồng Xoài, hồ Suối Cam, hồ Rừng Cấm, hồ Phước Hòa… đập thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng… cung cấp đầy đủ nước cho sinh hoạt và phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Nguồn nước rất dồi dào và phong phú, đảm bảo cho khai thác phục vụ sinh hoạt và sản xuất các khu cụm công nghiệp và các nhà máy xí nghiệp.
- Tài nguyên rừng: diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh 178.418ha, bao gồm: đất rừng đặc dụng 31.282ha, đất rừng phòng hộ 45.817ha, đất rừng sản xuất là 110.319ha. Rừng tự nhiên ở Bình Phước giàu về trữ lượng, phong phú về chủng loại và giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì, bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng Đông Nam bộ.
- Tài nguyên khoáng sản: trên địa bàn tỉnh Bình Phước có trữ lượng khoáng sản lớn và phong phú về chủng loại như: Đá, cát, sét, puzơlan, cao lanh, bô-xít, đá vôi… Trong đó, đá vôi có trữ lượng lớn, đứng thứ hai cả nước (chỉ sau tỉnh Kiên Giang), là điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất xi măng, ngày xây dựng phát triển mạnh.